22/09/2018

HƯỚNG DẪN CÁCH CHÂM LỖ NỐI BÉC TƯỚI VÀO ỐNG MỀM NGUYỄN TÂN

Chắc hẳn đã có nhiều bà con sau khi mua sắm và chuẩn bị đầy đủ các vật tư để lắp đặt cho hệ thống tưới, đặc biệt là hệ thống bằng mềm của Nguyễn Tân, đã gặp không ít sự lúng túng khi không biết làm thế nào nào để châm tạo lỗ, dẫn nước lên béc tưới.

Một số bà con có tâm lý e ngại nên đã không gọi điện đến Công ty để nhận được sự tư vấn, dẫn đến việc thực hiện sai kỹ thuật, ống bị rò rỉ nước, làm hư hại đường ống mềm và thậm chí tệ hơn là gây tâm lý chán nản, không còn muốn thực hiện lắp đặt hệ thống tưới…

Để chủ động hơn trong việc tư vấn, bài viết dưới đây Nguyễn Tân chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con một cách chi tiết các bước về cách châm lỗ trên ống mềm Nguyễn Tân để dẫn béc tưới vào từng gốc cây trồng, để bà con có thể tự thực hiện tại vườn nhà mình một cách dễ dàng nhất.

Bước 1: Gắn sẵn béc tưới vào các đoạn ống PE nhỏ (tizo)

Tùy vào loại béc tưới và độ dài dẫn béc vào gốc cây cần tưới mà lựa chọn các loại ống PE nhỏ (chúng tôi thường gọi là ống ‘tizo’) khác nhau. Thường thì bà con lựa chọn loại ống tizo chuyên dùng cho ống mềm có quy cách 4.5ly x 8ly phù hợp cho các loại béc có chân 5-6ly.

Cắt sẵn các đoạn ống tizo (chiều dài 0.6 ~ 1m) tương ứng với số đầu béc tưới. Một đầu ống cắt bằng để gắn béc, đầu còn lại cắt vát (xiêng) để nối vào ống nhánh mềm.

Công đoạn này nên thực hiện trước trong nhà để nhanh chóng và thuận tiện hơn khi tiến hành thao tác châm béc ngoài vườn.

Mẹo: Nên phơi các đoạn ống tizo ngoài trời nắng gắt trước đó để ống trở nên mềm dẻo, thao tác gắn béc vào sẽ dễ dàng hơn. Hoặc cách khác là có thể hơ đầu ống (đầu gắn béc) qua ngọn nến để giúp ống trở nên mềm dẻo hơn.

Bước 2: Tiến hành cho nước vào đường ống mềm

Sau khi trải hết các đường ống nhánh mềm cho mỗi hàng cây, ta tiến hành mở hết các van khóa và vận hành, bơm nước vào toàn bộ hệ thống, để ống mềm đạt đủ độ căng cần thiết. Việc này nhằm dễ dàng cho thao tác châm tạo lỗ, tránh làm lỗ xuyên qua mặt ống bên dưới gây rò rỉ nước.

Mẹo: Nên trải thẳng các đường ống nhánh trước khi vận hành để tránh gãy gập khi bơm nước vào.

Khi vận hành, nên mở van khóa một cách chậm rãi để tránh gây áp lực nước đột ngột gây nổ đường ống nhánh mềm.

Bước 3: Châm tạo lỗ trên ống mềm

Sau khi ống mềm đã đạt đủ độ căng, ta tiến hành châm tạo lỗ trên ống (nhằm giúp nối đoạn ống tizo vào ống mềm dễ dàng hơn).

Sử dụng vật nhọn như đinh, vít để tạo lỗ, có đường kính bé hơn đường kính của ống tizo (chúng tôi thường sử dụng vít 5cm) nhằm hạn chế sự rò rỉ nước. Tránh sử dụng các vật nhọn đầu dẹp như dao, kéo,… vì có khả năng tạo đường tét trên ống.

Mẹo: Dùng lực vừa phải để hạn chế việc đâm xuyên qua mặt ống bên dưới.

Bước 4: Nối đoạn ống tizo vào lỗ châm để dẫn béc tưới vào từng gốc cây trồng

Lấy đầu cắt vát của ống tizo đâm vào vị trí lỗ đã tạo sẵn trên ống mềm để dẫn nước lên các đầu béc tưới. Nên đâm ống tizo sâu vào một đoạn 10 – 15cm.

Mẹo: Xác định chiều nước chảy để đặt đoạn ống tizo xuôi theo dòng nước. Việc này nhằm hạn chế việc rò rỉ nước sau một thời gian sử dụng.

Bước 5: Cố định đầu béc tưới

Sau khi béc tưới đã vận hành ổn định, ta tiến hành đến bước cuối cùng là đã xác định vị trí đặt béc phun, sau đó cố định béc cùng ống tizo bằng cây nhựa đỡ béc hoặc các nhánh tre, trúc… hoặc dùng dây để treo béc vào thân, cành của cây nhằm tiết kiệm chi phí.

Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong các bước để dẫn béc vào từng gốc tưới rồi. Nếu bà con còn bất kỳ thắc mắc hay góp ý gì để việc lắp đặt hệ thống tưới trở nên đơn giản và hiệu quả hơn, xin vui lòng liên hệ với Công ty chúng tôi qua số hotline: 0283 7168 985 – 0903 191 329

Chúc quý bà con thành công!