Hiện tượng tắc nghẽn trong quá trình vận hành hệ thống tưới là một vấn đề thường xuyên xảy ra nếu chúng ta không có giải pháp lọc phù hợp. Bài viết này Nguyễn Tân sẽ giới thiệu với bà con một số loại lọc thông dụng cũng như các lưu ý khi chọn loại lọc cho hệ thống tưới của mình.
CÁC LOẠI LỌC THÔNG DỤNG
1. Lọc lưới: là bộ lọc có lõi là một trụ lưới. Với bộ lọc lưới, mức độ lọc phụ thuộc vào kích thước mắt lưới. Hầu hết các bộ lọc lưới hiện có nhiều kích thước để lựa chọn. Phương pháp truyền thống để tính toán độ mịn của lưới là bằng số khoảng cách lỗ trên 25 mm.
Ứng dụng: Bộ lọc lưới thường được áp dụng lọc các nguồn nước có chất lượng tương đối sạch.
2. Lọc đĩa: Lọc đĩa có lõi lọc cấu tạo từ nhiều lớp đĩa chồng lên nhau. Trên bề mặt của mỗi khay đĩa sẽ có rãnh nhỏ quyết định đến khả năng lọc kích thước của chất rắn không hòa tan. Thông thường, các kích cỡ lọc phổ biến của lọc đĩa là 80 mesh, 100 mesh, 120 mesh, 150 mesh và 200 mesh. Mesh là đơn vị đo theo quy ước quốc tế chỉ ra số mắt lưới trên 1 Inchs, chỉ số mesh càng cao thì lọc càng mịn.
Lọc đĩa là thiết bị lọc được sử dụng phổ biến nhất trong các hệ thống tưới nhờ cách lắp đặt đơn giản với chi phí đầu tư hợp lý.
Ứng dụng: Thông thường, lọc đĩa được lắp sau bộ phận châm phân của hệ thống tưới để ngăn chặn các loại phân bón không hòa tan hoặc đóng cặn, kết tủa có trong nước tưới trước khi đi đến các điểm tưới.
3. Lọc tách cát: là thiết bị giúp tách những chất rắn không hòa tan có trong nguồn nước trước khi đi vào hệ thống tưới. Thông qua cơ chế chuyển động ly tâm, dòng chảy nước tạo thành vòng xoáy và đẩy các chất rắn không hòa tan ở tâm dòng xoáy đi ra khỏi lọc.
Ứng dụng: lọc tách cát được lắp tại những khu vực nguồn nước có nhiều cặn rắn, cát sỏi như nguồn nước giếng khoan, sông suối, hồ chứa,… Một điều cần lưu ý là lọc tách cát không thể lọc các chất rắn hữu cơ như rêu, tảo,…
CHỌN PHƯƠNG ÁN LỌC PHÙ HỢP VỚI NGUỒN NƯỚC TƯỚI
Nguồn nước | Tính chất nguồn nước | Phương án lọc |
Nước giếng | Rất ít cặn bẩn, độ sạch cao. | Sử dụng lọc lưới. |
Nước ao hồ | Là nguồn nước có chứa nhiều cặn bẩn hữu cơ (lá cây, rơm rạ, rêu tảo lớn…) và vô cơ (mảnh ni-lông, chai lọ…). | Sử dụng lọc thô để loại các loại rác lớn và lọc đĩa để lọc các loại cặn bẩn nhỏ hơn. |
Nước phù sa | Là nguồn nước chứa nhiều loại cặn bẩn vô cơ như cát, bùn… | Cần kết hợp lọc lưới thô để loại bỏ các loại rác lớn, sau đó đưa vào bể chứa để lắng cặn hoặc qua bộ lọc tách cát Sau cùng sử dụng bộ lọc đĩa để lọc lại các loại cặn hữu cơ. |
Lưu ý khi lựa chọn và lắp đặt bộ lọc.
Bộ lọc phải có công suất lọc đủ lớn để lưu lượng nước được lưu thông tối đa, hệ thống không bị mất quá nhiều áp suất. Công suất ghi trên bộ lọc là công suất lọc ở điều kiện lọc tối ưu, nên chọn cỡ lọc có công suất lọc lớn hơn công suất của máy bơm. Việc chọn bộ lọc có công suất lọc quá nhỏ so với công suất bơm có thể gây vỡ đường ống, hư hại máy bơm…
Ví dụ: Nhu cầu nước trong một lần tưới là 20m3/h, chúng ta nên chọn máy bơm có lưu lượng > 24m3/h, từ đó chọn cở lọc > 28m3/h.
Chọn lọc có mắt lưới phù hợp với nhu cầu tưới. Những vườn sử dụng loại béc có họng phun lớn nên chọn lọc có mắt lưới lớn (lọc cở 80 – 120 mesh), hệ thống tưới nhỏ giọt cần sử dụng lọc có mắt lưới nhỏ (120 – 200 mesh). Lọc có mắc lưới càng nhỏ thì hao tổn áp suất qua lọc càng lớn.
Lắp đồng hồ đo áp để theo dõi áp suất nước trong hệ thống, từ đó có thể phát hiện bộ lọc đã chứa nhiều cặn bẩn, cần phải vệ sinh.
|
Kiểm tra đồng hồ đo áp trong hệ thống tưới |
Lắp bộ lọc đúng chiều nước ra, vào. Trên mỗi bộ lọc luôn có kí hiệu chiều nước vào lọc và ra lọc, lắp bộ lọc không đúng chiều nước chảy có thể làm mất tác dụng lọc nước.
Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh bộ lọc để hệ thống tưới được vận hành tốt nhất.
Xem thêm: