Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và giải quyết vấn đề khan hiếm công lao động thì việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất là một giải pháp ưu tiên hàng đầu cần triển khai thực hiện.
Trong năm 2022, Hội Làm vườn tỉnh Long An phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An và Hội Nông dân huyện Tân Trụ triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến” trên cây bưởi. Mô hình được thực hiện tại hộ ông Đào Văn Thành, ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An với diện tích 5.000 m2 trồng bưởi. Sau thời gian thực hiện, ngày 09 tháng 3 năm 2023 vừa qua, Hội Làm vườn Long An tổ chức hội thảo nhằm đánh giá và quảng bá kết quả thực hiện của mô hình.
Tham dự hội thảo, các đại biểu được hướng dân tham quan mô hình trình diễn và nghe ông Đào Văn Thành - nông dân thực hiện mô hình chia sẻ, trước đây gia đình ông áp dụng biện pháp tưới truyền thống, sử dụng máy xăng, ống tưới và cần đến 02 công lao động trong thời gian 02 giờ để tưới cho toàn bộ diện tích vườn bưởi. Khi đó, chi phí sản xuất (công lao động, tiền nhiên liệu, khấu hao máy móc,…) bỏ ra khoảng 19 triệu đồng/năm.
Ông Thành chia sẻ thêm, chi phí vật tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến cho 5.000 m2 vườn bưởi là 19.877.330 đồng. So với tưới theo phương pháp truyền thống thì chi phí đầu tư này khá cao, khiến cho ông nghi ngại áp dụng. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng hệ thống tưới tiên tiến thì ông nhận thấy, để tưới cho toàn bộ diện tích vườn bưởi chỉ cần mất thời gian 30 phút và không tốn công lao động, khi đó chi phí bỏ ra (gồm tiền điện và khấu hao của hệ thống tưới) khoảng 4.200.000 đồng/năm. Như vậy, sau 01 năm ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, gia đình ông có thể tiết kiệm được khoản chi phí là 14.820.000 đồng và sau hơn 01 năm thì số tiền tiết kiệm này có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu của hệ thống tưới tiên tiến và về lâu về dài chi phí sản xuất còn được tiết kiệm nhiều hơn nữa. Do đó, ông Thành nhận định đây là một mô hình rất hiệu quả vì đã giải quyết được vấn đề công lao động và tiết kiệm được chi phí sản xuất (công lao động, tiền xăng) ở khâu tưới nước và bón phân cho vườn bưởi của gia đình. Ông hy vọng mô hình có thể nhân rộng để người nông dân trồng cây ăn trái tại địa phương áp dụng rộng rãi hơn.
Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, hệ thống tưới tiên tiến còn mang lại nhiều lợi ích như: lượng nước tưới được cung cấp đều đặn, đảm bảo ẩm độ được phân bố đều trong tầng đất canh tác và tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước tưới; giảm 75% thời gian tưới; giảm 100% công lao động ở khâu tưới nước; không gây xói mòn đất và góp phần hạn chế việc làm đất bị suy thoái do tưới nước; nông dân có thể pha loãng dinh dưỡng ở dạng hòa tan để bón phân cho cây ăn trái thông qua hệ thống tưới, nhờ đó dinh dưỡng được thấm từ từ vào đất, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng được hiệu quả hơn.
Nhìn chung, mô hình ngoài việc mang lại hiệu quả về mặt kinh tế còn đạt được hiệu quả về mặt xã hội, mô hình giúp nông dân chủ động trong việc sử dụng nước tưới và tiết kiệm lượng nước tưới, giảm công lao động, giải quyết tình trạng khan hiếm công lao động ở nông thôn. Đây là một giải pháp hiệu quả nhằm thích ứng với những bất lợi của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn và khan hiếm nước tưới trong mùa khô như hiện nay. Do đó, mô hình có tính quảng bá cao, hứa hẹn sẽ được nhân rộng ra các xã và địa phương lân cận.
Theo Trúc Đào/Phòng Kỹ thuật
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An