Cây chuối trước đây thường chỉ được người dân trồng nhằm tận dụng những diện tích đất trống để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, hay làm thức ăn cho gia súc, nên chưa được đầu tư chăm sóc, Vài năm trở lại đây, từ một số mô hình trồng chuối hàng hóa, có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã cho thấy tiềm năng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với loại cây này.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quy trình trồng và chăm sóc cay chuối qua bài viết sau đây.
1. CHUẨN BỊ ĐẤT VÀ NHÂN GIỐNG CHUỐI
Chọn loại đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất thoáng có cấu tượng tốt và độ xốp cao hoặc những vùng đất cao, dễ thoát nước như đất đồi. Về hóa tính đất, chuối rất cần các chất khoáng trong đất như N, P, K, Ca, Mg, trong đó hai yếu tố chính là N và K. Chuối mọc bình thường trong đất có pH từ 4,5 - 8, tốt nhất trong khoảng 6 - 7,5. Trường hợp đất quá chua hoặc quá kiềm có thể gây ra hiện tượng thiếu vi lượng trong đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của chuối.
Đất phải được cày bừa kỹ, diệt cỏ dại trước khi trồng, cày sâu 30 cm, cày 2 lần, lần 2 vuông góc với lần 1. Nếu đất rộng, chia lô chống cháy mùa khô.
Đào hố và bón phân: Đào hố sâu 40 - 60 cm và rộng 40 - 60 cm. Trộn phân chuồng, tro trấu cùng với lớp đất mặt, lấp đầy hố. Trước khi trồng 20 ngày, dùng 0,5 kg vôi bột xử lý cho một hố trồng. Sau đó, trộn tro trấu, phân chuồng ủ hoai mục 10 - 15 kg (hoặc hữu cơ vi sinh) và 0,2 kg Supe lân với lớp đất mặt, đảo đều rồi lấp đầy hố (trước khi trồng 10 - 15 ngày).
2. THỜI VỤ TRỒNG
Cây chuối không yêu cầu nghiêm ngặt về thời vụ, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa (vùng Đồng bằng Bắc bộ trồng từ tháng 9 - 11, các vùng khác từ tháng 6 - 8). Ở thời điểm này, cây con sinh trưởng thuận lợi và có tỷ lệ sống cao.
Vườn chuối con (Ảnh minh họa) |
3. MẬT ĐỘ TRỒNG
Mật độ trồng phụ thuộc vào giống chuối, giống càng thấp cây, tán lá hẹp như chuối tiêu lùn, chuối ngự có thể trồng dày, còn các loại như chuối tiêu vừa, chuối tiêu cao, chuối lá, chuối gòn, … trồng thưa hơn. Mật độ trồng phổ biến khoảng trên dưới 1.000 cây/ha, khoảng cách trồng: 3 x 3 m (1.100 cây/ha) hoặc 3 x 2,5 m (1.300 cây/ha).
Tuy nhiên, khi trồng mật độ dày cần phải chú ý: Chọn cây con thật đồng đều nhằm tránh hiện tượng lấn át, tranh giành dinh dưỡng và ánh sáng giữa các cây. Bón phân đúng mức và phòng tránh kịp thời bệnh đốm lá cho cây. Trồng dày hợp lý có tác dụng tốt cho vườn chuối, vườn sớm được che bóng, ít cỏ dại, tạo điều kiện nóng ẩm phù hợp với cây chuối và tốt hơn cả là tăng năng suất chuối.
4. CÁCH TRỒNG
Dùng cuốc, xẻng, lấp đất vào hố, lượng đất dày khoảng 30 cm, sau đó dùng cuốc moi 1 hốc ở giữa rộng khoảng 30 cm để đặt cây chuối con vào, cổ của củ chuối nằm ở vị trí sâu khoảng 10 cm cách mặt đất, chú ý đặt cây thẳng đứng để tránh cây bị đổ và mọc nghiêng sau này. Tiếp theo, lấp đất kín gốc cây, vừa lấp vừa giậm nhẹ để cây im gốc, lớp đất kín trên thân ngầm 5 - 6 cm.
5. BÓN PHÂN
Lượng phân bón trung bình cho 01 ha chuối thường là 200 kg N + 80 kg P2O5 + 200 kg K2O, tuỳ theo loại đất; nếu đất chua, bón thêm vôi sẽ mang lại hiệu quả cao. Lượng phân bón cho chuối phụ thuộc vào sản lượng thu hoạch; chẳng hạn để thu hoạch 32 tấn quả/ha, cây chuối lấy đi từ đất 80 kg N; 49 kg P2O5; 1.145 kg K2O.
Chuối đòi hỏi lượng kali rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn các chất dinh dưỡng được giữ ở trong rễ, củ, thân, lá và đặc biệt ở cuống buồng, vỏ quả. Vì vậy, sau khi thu hoạch, cần trả lại các bộ phận trên cho đất.
Cân đối đạm và kali cho chuối có tầm quan trọng lớn, 2 yếu tố này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thành năng suất của chuối. Tuy vậy, đối với chuối, tỷ lệ canxi và magiê cũng rất có ý nghĩa, bởi vì 2 yếu tố này góp phần phát huy hiệu lực của kali. Để đảm bảo quả chuối có phẩm chất tốt, phun kẽm và bón cho cây với liều lượng 5 -10 kg/ha, phun 1 - 3 lần trong 1 vụ.
6. CHĂM SÓC
a) Tưới nước
Chuối yêu cầu nước rất cao nên phải thường xuyên giữ ẩm cho đồng ruộng bằng cách tưới ngập vào rãnh hoặc thiết kế hệ thống tưới với ống dẫn có đục lỗ trực tiếp đưa nước vào từng gốc cây và liên tục kiểm tra đồng ruộng.
Tưới chuối bằng ống phun mưa đục lỗ |
Tham khảo quy cách ống LDPE Nguyễn Tân
Tham khảo quy cách ống mềm không đục lỗ Nguyễn Tân
Tham khảo quy cách ống tưới phun mưa Nguyễn Tân
b) Trồng dặm
Sau khi trồng khoảng một tháng nếu thấy cây phát triển kém thì phải trồng dặm lại bằng những cây tốt để phát triển kịp những cây trồng trước, đối với những cây mọc kém có thể dùng dao chặt ngang thân, cách gốc 20 - 30 cm giúp lá non dễ mọc ra.
c) Tỉa cây con
Khi cây bắt đầu đẻ cây con thì tiến hành tỉa, dùng cây con này để trồng tiếp hoặc bỏ đi. Mỗi tháng kiểm tra một lần để tỉa bỏ cây con kịp thời, tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và có tác dụng giảm sâu bệnh. Khi xuất hiện mầm mới, nếu không lấy cây con để trồng tiếp thì dùng dao cắt bỏ, dùng mũi dao nhọn đẩm thẳng xuống gốc. Tỉa bỏ những cây yếu, cây nằm sát nhau, chừa các cây con gối nhau, mỗi bụi chỉ có ba đến bốn cây đang phát triển (một cây mẹ, hai đến ba cây con). Riêng với chuối tiêu, chỉ nên để mỗi cây 1 mầm.
d) Bẻ bắp tỉa quả
Sau khi cây trổ hoa và cho khoảng 10 - 13 nải/buồng, tiến hành bẻ bắp và tỉa quả cho cây. Việc tỉa nải nên tiến hành vào buổi chiều, tránh trời mưa để hạn chế mất nhựa, làm ảnh hưởng đến mẫu mã của buồng chuối sau này. Chú ý cắt vào lúc trời khô ráo để vết cắt mau khô, tránh bị sâu bệnh xâm nhập phá hại. Tốt nhất là sau khi cắt xong nên dùng tro sạch bôi vào vết cắt để vết thương mau khô, không chảy nhựa nhiều và có tác dụng sát trùng.
Vườn chuối vào vụ thu hoạch (Ảnh minh họa) |
e) Cắt bỏ lá già, khô
Thường xuyên kiểm tra và cắt bỏ kịp thời các lá già, lá khô bám xung quanh thân chuối để tập trung dinh dưỡng và hạn chế nguồn bệnh. g) Làm cây chống buồng Sau khi cây ra buồng được khoảng 1 tháng, cần làm cây chống buồng để giữ cho cây không bị đổ khi gặp gió.
Tài liệu tham khảo:
“Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối”, TS. Trần Danh Sửu (Chủ biên), TS. Bùi Thị Thu Huyền, ThS. Phạm Thị Xuân, ThS. Hà Minh Loan, ThS. Trần Thị Ánh Nguyệt, ThS. Đỗ Thị Thu Trang, TS. Nguyễn Thị Tuyết. Viện khoa học Nông Nghiệp Việt Nam. NXB Hà Nội 2017.
Xem thêm:
Các lưu ý khi tính toán, thiết kế hệ thống tưới tiết kiệm
Các lưu ý khi lựa chọn béc tưới phun mưa tại gốc
Những lưu ý khi vận hành và bảo dưỡng hệ thống tưới
Hướng dẫn cách sử dụng ống mềm làm ống chính trong hệ thống nhỏ giọt